NÂNG CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

0
33

Ngày 25 tháng 10 năm 2024 Công an thành phố Bắc Kạn ban hành văn bản số 2349 về việc phối hợp tuyên truyền nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Theo đó Trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng ngừa của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên thời gian gần đây, thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… và thông qua điện thoại di động, các đối tượng đã đưa ra nhiều thủ đoạn lừa đảo mới khiến một số người dân chủ quan, mất cảnh giác và tin tưởng thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương. Để làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an thành phố Bắc Kạn thông báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khuyến cáo như sau:

  1. Về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng

– Mạo danh shipper giao hàng: Lợi dụng thói quen mua hàng online (mua hàng trực tuyến qua mạng) của người dân, các đối tượng đã mạo danh là shipper (người giao hàng) gọi điện thoại hẹn giao đơn hàng. Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm người dân không có mặt ở nhà (trong giờ hành chính) để gọi điện thoại hẹn giao hàng và cung cấp số tài khoản yêu cầu thanh toán online. Một số người dân do chủ quan hoặc không nhớ được các đơn hàng đã đặt và thấy giá trị tiền đề nghị thanh toán của đơn hàng không lớn nên đã tin tưởng chuyển tiền qua tài khoản để thanh toán theo yêu cầu của đối tượng.

– Lừa đảo bán hàng trên mạng chiếm đoạt tiền đặt cọc: Các đối tượng lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để tạo lập tài khoản và tham gia vào các hội nhóm mua, bán hàng trên mạng. Khi có khách hàng liên hệ mua hàng, chúng sẽ đưa ra thông tin về nguồn gốc, đặc điểm của sản phẩm nhằm khiến khách hàng tin tưởng. Khi khách hàng đã tin tưởng, các đối tượng yêu cầu người mua hàng phải đặt cọc một số tiền nhất định, khi khách hàng tin tưởng và chuyển tiền các đối tượng sẽ chiếm đoạt luôn số tiền này và chặn liên lạc với người mua hàng.

– Lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại đặt hàng (đặt mua vật liệu xây dựng, giường tầng): Các đối tượng giả danh là người thân quen của bị hại gọi điện thoại đặt hàng với số lượng lớn, sau đó tiếp tục giới thiệu mối để bị hại đặt hàng. Các đối tượng gửi hóa đơn chuyển tiền mua hàng cho bị hại để bị hại tin tưởng và gọi điện đặt hàng với đầu mối mà đối tượng cung cấp, sau đó đầu mối yêu cầu bị hại chuyển tiền đặt cọc để thi công, sau khi bị hại chuyển tiền cọc thì các đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền để xuất hàng, khi bị hại kiểm tra tài khoản của khách đặt ban đầu không thấy có số tiền chuyển đến như hóa đơn các đối tượng đã gửi cho trước đó, khi liễn hệ với đầu mối để hủy đơn và yêu cầu họ chuyển lại tiền thì không liên lạc được nữa.

– Giả mạo nội dung chuyển khoản, yêu cầu thao tác việc đổi tiền quốc tế, cài đặt phần mềm độc hại, chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng: Thông qua các trang mạng xã hội, các đối tượng tiếp cận, trao đổi, đặt hàng với những bị hại bán hàng trên mạng. Sau đó các đối tượng đề nghị chuyển tiền trước cho bị hại, khi bị hại đồng ý các đối tượng sẽ thông qua số điện thoại ảo gửi tin nhắn với nội dung chuyển tiền ngoại tệ đến tài khoản ngân hàng của bị hại, trong nội dung tin có giao nhắn sẽ kèm theo đường link (đường liên kết), khi truy cập sẽ dẫn đến diện là đổi tiền quốc tế. Khi bị hại tin tưởng làm theo hướng dẫn của các đối tượng thực hiện việc nhập thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng của mình vào trang tiền, các đối tượng sẽ thao tác việc chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến tài khoản ngân hàng của các đối tượng và chiếm đoạt.

2. Đưa ra thông tin gian dối, kêu gọi đầu tư vào các trang tiền ảo, sàn giao dịch để chiếm đoạt tài sản: Đối với thủ đoạn trên, có 02 (hai) hình thức:

+ Hình thức thứ nhất: Các đối tượng tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu đến khách hàng về việc đầu tư vào các trang tiền ảo (thường có máy chủ đặt ở nước ngoài) với cam kết về mức lợi nhuận được hưởng lớn. Khi khách hàng tin tưởng chuyển tiền để đầu tư thì sau một thời gian ngắn các trang trên sẽ bị các đối tượng đánh sập và khách hàng sẽ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.

+ Hình thức thứ hai: Các đối tượng thông qua các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… đưa ra các thông tin, hình ảnh, video clip (đoạn phim ngắn) với nội dung kéo lợi nhuận và dễ dàng trúng thưởng trên các sàn giao dịch kèm theo các thông tin giả về việc trúng thưởng của những người tham gia trước đó để thu hút, lôi kéo người khác tham gia, khi khách hàng tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp để nhờ kéo lợi nhuận giúp thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt luôn số tiền này và cung cấp lại cho khách hàng các thông tin, hình ảnh giả về việc đầu tư bị thua lỗ để khách hàng tin tưởng là các đối tượng đã thực hiện việc kéo lợi nhuận giúp mình mà không biết đây là hoạt động lừa đảo.

– Tạo lập các hợp đồng vay tiền giả chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng tạo lập các trang quảng cáo cho vay tiền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Khi có người có nhu cầu vay tiền và truy cập vào đường link trên trang quảng cáo, các đối tượng sẽ liên hệ và đề nghị bị hại kết bạn với 01 (một) tài khoản Zalo có hình ảnh, thông tin của người khác (không chính chủ) để liên lạc, tư vấn (đưa thông tin không đúng sự thật, lôi kéo, tác động làm cho bị hại tin tưởng, mong muốn vay tiền). Để cho bị hại tin tưởng, sau khi nắm được nhu cầu vay, các đối tượng yêu cầu bị hại gửi các thông tin cá nhân thông qua ứng dụng Zalo. Khi có được thông tin cá nhân của bị hại, các đối tượng sử dụng phần mềm làm giả 01 (một) bộ hồ sơ vay tiền của ngân hàng thương mại (có chữ ký và dấu đỏ) rồi gửi lại cho bị hại để kiểm tra. Khi bị hại đã tin tưởng, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp với lý do là bảo hiểm khoản vay. Sau khi bị hại đã chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục đưa ra các lý do khác như sai nội dung chuyển khoản, thao tác không đúng nội dung,… yêu cầu bị hại chuyển thêm số tiền khác lớn hơn lần chuyển trước. Tùy vào diễn biến tâm lý của bị hại mà các đối tượng tác động làm cho bị hại tiếp tục chuyển tiền, cho đến khi bị hại không còn tiền chuyển hoặc phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng chặn liên lạc, chặn tài khoản của bị hại.

3. Khuyến cáo

Để phòng tránh các phương thức, thủ đoạn trên, Công an thành phố Bắc Kạn đề nghị UBND các xã, phường phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền và thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân các nội dung như sau:

– Đề nghị nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, không lo lắng, sợ sệt trước các thông tin “vô lý”, không đúng sự thật của các đối tượng đưa ra thông qua mạng xã hội và điện thoại di động.

– Không tham gia vào các loại hình trò chơi, đối thưởng qua mạng xã hội; không tìm hiểu và tham gia vào các trang mạng có nội dung xấu độc, chưa được kiểm chứng hoặc đã được cảnh báo không tham gia.

– Không tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và dễ trở thành nạn nhân của hoạt động lừa đảo.

– Không thực hiện việc giao dịch chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng đối với các đơn hàng mà thông tin không rõ ràng và không trực tiếp giao dịch. Khi có nhu cầu giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cần kiểm tra, xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện.

– Không kích hoạt vào các đường link do người lạ gửi đến thông qua tin nhắn điện thoại di động và tài khoản mạng xã hội.

– Trong trường hợp nghi ngờ bị các đối tượng xấu liên hệ để lừa đảo và yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản thì tuyệt đối không chuyển tiền và phải thông tin ngay với người thân để hỗ trợ xác minh hoặc báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Số điện thoại trực ban Công an thành phố Bắc Kạn: 02093.811.008./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here