Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0
150

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Bắc Kạn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt, ngày càng đa dạng về phương thức, thủ đoạn, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.Để chủ động trong công tác phòng ngừa với loại tội phạm trên, giảm thiểu thiệt hại của người dân, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Uỷ ban nhân dân phường Phùng Chí Kiên đè nghị cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè và quần chúng nhân dân nơi cư trú nâng cao ý thức cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không lợi dụng việc sử dụng thuê bao di động (sim rác), mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, dịch vụ internet để thực hiện, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

(Gửi bài tuyên truyền kèm theo)

BÀI TUYÊN TRUYỀN

PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

(Kèm theo Công văn số:        /CV-UBND ngày    /5/2023 của UBND phường Phùng Chí Kiên)

 

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên địa bàn thành phố Bắc Kạn với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Từ năm 2022 đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Kạn tiếp nhận xác minh tổng cộng: 11 tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, với tổng tài sản thiệt hại ước tính lên đến hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt chỉ riêng từ tháng 3 năm 2023 trở lại đây, đã xảy ra 05 vụ lừa đảo trên không gian mạng, thiệt hại ước tính lên tới 569 triệu đồng.

Mặc dù thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đã được Công an các cấp liên tục tuyên truyền, cảnh bảo đến người dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cảnh giác. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, cả tin, hám lợi trở thành nạn nhân của các đối tượng hoạt động phạm tội, trong đó nhiều người bị thiệt hại giá trị tài sản lớn. Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc điều tra làm rõ, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như tinh thần cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay cho tội phạm, Công an thành phố Bắc Kạn thông tin đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một số thủ đoạn lừa đảo hiện nay đã diễn ra trên một số địa bàn tỉnh, thành phố trong nước, cụ thể như:

  1. Giả danh cán bộ trong các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thoại thông báo đang điều tra các vụ án, rửa tiền có liên quan đến nạn nhân, yêu cầu nạn nhân khai báo thêm các thông tin liên quan. Sau đó yêu cầu nạn nhân “phải” chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà chúng cung cấp để điều tra. Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì đối tượng nhanh chóng chiếm đoạt và cắt thông tin liên lạc.
  2. 2. Giả danh người nước ngoài thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Whatsapp, Skype… làm quen, kết bạn, nói sẽ chuyển quà, tiền về Việt Nam nhờ nhận và giữ dùm. Để củng cố niềm tin, đối tượng gửi các hình ảnh bưu phẩm và các giấy tờ liên quan đến việc chuyển quà, tiền cho bị hại. Sau đó các đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng, hải quan, thuế vụ… thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ và đề nghị nạn nhân phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng.
  3. Giả danh cán bộ ngân hàng, nhân viên của các công ty… nhắn tin, gọi điện yêu cầu cung cấp tài khoản, mật khẩu hoặc mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến dịch vụ ngân hàng, nhờ nhận hộ tiền hoặc thông báo trúng thưởng… rồi gửi mail, tin nhắn chứa link truy cập vào website giả mạo có thiết kế giống với các trang chủ của ngân hàng, yêu cầu nạn nhân nhập thông tin tài khoản Internet Banking, thông tin thẻ và mã OTP để nhận tiền. Sau đó, đối tượng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân và thực hiện lệnh chuyển tiền.
  4. Thủ đoạn lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo… do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường… để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống do chúng thiết lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
  5. Lợi dụng sự nhẹ dạcả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee…và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng… và yêu cầu gửi các thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn. Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp. Những lần giao dịch đầu bị hại sẽ được rút về tiền gốc và tiền thưởng cao để tạo lòng tin. Đến khi bị hại giao dịch số tiền lớn, đối tượng sẽ liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chuyển thêm tiền như: phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được nhận lại tiền và hoa hồng, thực hiện sai lệnh, hệ thống báo lỗi, yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân… Bị hại vì muốn lấy lại số tiền ban đầu nên cứ làm theo cho đến khi nhận ra bị lừa thì số tiền đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
  6. Thủ đoạn chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc hàng hoá khi mua bán online. Mời vay tiền online qua ứng dụng, trang Web với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản nhiều người đã sập bẫy và trở thành “con nợ” của các đối tượng cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng sau đó sẽ liên lạc với chủ tài khoản để xin lại số tiền đã chuyển. Trong khi hướng dẫn nạn nhân chuyển lại tiền các đối tượng đã tạo sẵn chiếc bẫy là những đường link để dễ dàng chiếm đoạt.
  7. Tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…), các đối tượng đưa ra thông tin quảng cáo về những công việc nhẹ, không cần trình độ với mức lương cao để dụ dỗ, lôi kéo. Khi nạn nhân đã đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và hướng dẫn đi đến TP Hồ Chí Minh, sau đó chúng bố trí xe đưa đến biên giới rồi nhập cảnh vào Campuchia qua đường tiểu ngạch. Khi đã đến Campuchia, bọn chúng sẽ đưa (hoặc bán) nạn nhân vào các sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ để làm việc. Công việc chính tại đây là lừa đảo qua mạng, lôi kéo người khác tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân phải làm việc từ 12-15 tiếng mỗi ngày, không được trả lương, bị nhốt, đánh đập, bỏ đói… khi không hoàn thành công việc hoặc nghe theo lời của bọn chúng. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân liên lạc với gia đình để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng nếu không muốn bị đánh đập hoặc phải trả một số tiền chuộc nhất định (từ 100 – 500 triệu đồng) nếu muốn quay trở về Việt Nam.
  8. Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (facebook) của người dùng (nhất là người đang sinh sống ở nước ngoài), sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó để nhờ chuyển tiền dùm cho người thân (số tài khoản do đối tượng cung cấp) hoặc nhờ mua thẻ cào điện thoại di dộng rồi nhắn tin mã số thẻ cào cho đối tượng nạp để chiếm đoạt tài sản.
  9. Lừa đảo bằng hình ảnh, cuộc gọi video:

– Các đối tượng chuẩn bị sẵn một đoạn video được cắt ghép từ những hình ảnh đã được chủ tài khoản đăng tải trước đó, lập ra những tài khoản mạo danh giống với tên tài khoản thật. Khi thực hiện cuộc gọi thì đối tượng đưa đoạn video này lên trước camera điện thoại để chiếm được lòng tin của nạn nhân, viện cớ là đang đi đường mạng yếu, đường truyền kém nên âm thanh, hình ảnh không rõ, sau đó ngay lập tức mượn tiền, nhờ vay tiền, chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

– Giả danh là giáo viên, nhân viên y tế, bác sỹ, nhân viên của bệnh viện…gọi điện thoại đến cho phụ huynh học sinh thông báo về việc học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện cần nộp tiền gấp cho bệnh viện để chữa và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng chỉ định.

– Các đối tượng còn lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI (artificial intelligence) để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói. Từ việc chiếm đoạt tài khoản Facebook, Instagram… để tạo ra những cuộc gọi giả, dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền để lừa người thân, gia đình, bạn bè của tài khoản bị hack.

Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là “tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ, đang cần tiền để giải quyết. Đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau…”

Đặc điểm của những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng về hình ảnh hoặc giọng nói của người đó. Khi gặp những tình huống như vậy, đầu tiên người dân cần bình tĩnh. Sau đó cố gắng xác minh từ những nguồn khác như gọi số điện thoại di động, gọi cho những người đang ở gần với người yêu cầu chuyển tiền. Hoặc từ chính những bệnh viện, từ những cơ quan Công an, từ nhà trường tùy theo cuộc gọi trình bày lý do cần tiền… Tốt nhất người dân nên thấy và gặp trực tiếp, hoặc tiếp cận nhanh nhất tới hiện trường, địa điểm xảy ra nếu có thể. Thủ đoạn này hiện đang rất mới, tinh vi, rất cần người dân nâng cao cảnh giác và chia sẻ đến người thân, bạn bè nắm và phòng ngừa.

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here